Di chỉ lò nung Đồ gốm Nhữ

Một nhóm gồm 15 lò nung gốm tại thôn Thanh Lương Tự (tọa độ 33°55′30″B 112°51′42″Đ / 33,925°B 112,86167°Đ / 33.92500; 112.86167), trấn Đại Doanh, huyện Bảo Phong, địa cấp thị Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam đã được xác định là nơi sản xuất đồ gốm Nhữ. Chúng được phát hiện lần đầu năm 1950,[2] và năm 1977 sử gia nghệ thuật gốm sứ Diệp Triết Dân (叶喆民, 1924-2018) đã tìm thấy một mảnh gốm vỡ tại di chỉ này khi được phân tích thì hoàn toàn đồng nhất với mẫu đồ gốm Nhữ lưu giữ tại Bắc Kinh.[23] Điều này đã được xác nhận do địa điểm này đã được khai quật bắt đầu từ năm 1987, với khu vực nhà xưởng và lò "gốm quan" được phát hiện vào năm 2000 trong giai đoạn khai quật lần thứ sáu.[2]

Tổng cộng khu vực này có diện tích 250.000 mét vuông, "với các lò gốm phân bố dày đặc khắp nơi".[10] Khi chúng được khai quật, rõ ràng là chúng cũng từng sản xuất một lượng lớn đồ gốm khác, ít hơn, bao gồm gốm màu đen và gốm ba màu (tam thái), và "một lượng đáng kể đồ gốm Nhữ được chạm khắc có chất lượng kém hơn",[24][25] không có đại diện trong số các hiện vật còn sót lại. Ngoài kiểu dáng cuối cùng này ra thì các kiểu dáng khác đó thường không được gọi là "đồ gốm Nhữ" mà thuộc về nhóm các đồ gốm khác của miền bắc Trung Quốc đương thời.

Các cuộc khai quật cũng tìm thấy những mảnh vỡ có chất lượng "gốm quan", nhưng có hình dạng phức tạp hơn so với những hiện vật nguyên vẹn còn sót lại. Chúng có thể là những mẫu thử chưa được đưa vào sản xuất. Cũng có những mảnh được trang trí theo các kỹ thuật men ngọc thông thường và điều này cũng không tìm thấy ở những hiện vật hoàn chỉnh còn sót lại.[2][3] Năm 2001, di chỉ Thanh Lương Tự đã được liệt kê trong danh lục di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn cấp toàn quốc lần thứ 5 của Trung Quốc.

Di chỉ ngõ Trương Công

Năm 2004, người ta tiến hành khai quật khu vực lò gốm với quy mô hẹp hơn, chỉ 3.600 mét vuông tại ngõ Trương Công (張公巷, Trương Công hạng) ở đông nam thành cổ Nhữ Châu. Tuy nhiên, cho tới nay người ta vẫn chưa thống nhất về việc khu vực này có phải là nơi sản xuất đồ gốm Nhữ thời Bắc Tống hay là nơi sản xuất đồ gốm quan thời nhà Kim.[26]

Năm 2006, di chỉ này cũng đã được liệt kê trong danh lục di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn cấp toàn quốc lần thứ 6 của Trung Quốc.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồ gốm Nhữ http://www.alaintruong.com/archives/2015/08/09/324... http://wp.ocs-london.com/wp-content/uploads/2015/1... http://www.sothebys.com/en/auctions/2012/ru-hk0367... http://www.sothebys.com/en/news-video/videos/2017/... http://www.theartnewspaper.com/news/rare-ru-bowl-d... http://english.chnmus.net/Collections/2011-07/06/c... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o...